Hoạt chất tẩy rửa với hoạt chất khử trùng
Điều quan trọng trước tiên là hiểu sự khác biệt giữa việc làm sạch bằng hóa chất tẩy rửa bề mặt và quá trình khử trùng. Theo phân loại của Spaulding, các bề mặt trong môi trường làm việc nha khoa bao gồm bề mặt phòng (sàn nhà, tường và các bồn rửa) và bề mặt tiếp xúc lâm sàng (ghế máy thiết bị, tay nắm đèn, máy tính, bàn phím, mặt bàn làm việc, tủ thuốc…)
Hóa chất tẩy rửa làm sạch bề mặt bao gồm việc loại bỏ chất bẩn (bao gồm các protein như mủ và máu) khỏi các bề mặt. Hóa chất tẩy rửa loại bỏ các chất bẩn khỏi bề mặt bằng cách tác động vào các liên kết hóa học ban đầu giữa chất bẩn và bề mặt.
Ngược lại, khử trùng là quá trình tiêu diệt hoặc làm bất hoạt vi sinh vật. Chất khử trùng là hóa chất, được chọn lọc và pha chế đặc biệt, có khả năng diệt khuẩn đã được chứng minh. Một chất khử trùng hiệu quả nên được chứng nhận là đã được kiểm tra theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Các phân loại của Spaulding về việc vô trùng
- Tiệt trùng (Sterilization) là một quá trình tiêu diệt tất cả các vi sinh vật, bao gồm số lượng lớn các nội bào tử vi khuẩn có sức đề kháng cao. Áp dụng cho các dụng cụ điều trị xâm nhập mô hoặc hệ thống mạch máu.
- Khử trùng cấp độ cao (High-level disinfection) là một quá trình trong đó các chất hoạt chất khử trùng được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn sống, trực khuẩn lao (mycobacteria), virus có và không có màng bao lipid, nấm, nhưng không phải tất cả các bào tử vi khuẩn, nếu chúng có mặt với số lượng lớn. Áp dụng đối với những dụng cụ tiếp xúc với màng nhầy tế bào hoặc da không nguyên vẹn.
- Khử trùng cấp độ trung gian (Intermediate-level disinfection) là quá trình tiêu diệt vi khuẩn sống, và nấm, trực khuẩn lao, virus lipid và không lipid. Các tác nhân này (phenol, hợp chất clo, iodophors và các sản phẩm chứa cồn) được dùng để vệ sinh bề mặt. Dùng với những vật dụng không tiếp xúc với màng nhầy, có tiếp xúc với da nguyên vẹn.
- Khử trùng cấp độ thấp (Low-level disinfection) chỉ tiêu diệt vi khuẩn thực vật, một số nấm và virus lipid, nhưng không diệt được trực khuẩn lao. Các sản phẩm này (hầu hết là các hợp chất amoni bậc bốn) được sử dụng để vệ sinh tẩy rửa bề mặt sàn, tường hoặc các bồn rửa.
Cách để xác định một sản phẩm có phải là chất khử trùng cấp độ trung gian hay không là xem sản phẩm đó có khả năng diệt trực khuẩn lao trên nhãn sản phẩm hay không.
Lựa chọn chất khử trùng
Khi lựa chọn chất khử trùng phù hợp cho phòng khám nha khoa, có một số tiêu chí quan trọng cần xem xét bao gồm:
- An toàn – chất khử trùng có an toàn cho sức khoẻ người sử dụng và áp dụng được cho những bề mặt, dụng cụ, thiết bị nào?
- Hiệu quả – khả năng diệt khuẩn như thế nào?
- Phổ hoạt động – bao nhiêu chủng vi sinh vật bị tiêu diệt hoặc bất hoạt;
- Thời gian tiếp xúc – chất khử trùng tiêu diệt vi sinh vật trong thời gian bao lâu?
Một chất khử trùng lý tưởng phải có hoạt tính khử khuẩn cao và có khả năng bất hoạt nhiều loại virus, bao gồm cả HIV và viêm gan, cũng như có hiệu quả chống lại vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn lao. Mặt khác, hoạt chất khử trùng nên an toàn cho người sử dụng và thích hợp để dùng thường quy.
Có hai loại giấy lau khử trùng làm sẵn để vệ sinh các bề mặt cứng, không xốp: loại có cồn và loại không có cồn. Hai sản phẩm này có một số khác biệt quan trọng ngoài cách trình bày và mùi của chúng.
Sản phẩm khử trùng không cồn thường chứa các loại hợp chất amoni bậc bốn, được gọi là ‘quats’, thân thiện hơn với da mặc dù tác dụng ức chế vi khuẩn là chủ yếu.
Sản phẩm khử trùng gốc cồn có phổ khử khuẩn rộng nhất. Sản phẩm có khả năng diệt virus, chống lại những loại virus “được bao bọc” như HIV và viêm gan B và chống lại virus “không được bao bọc” như poliovirus, rhinovirus và viêm gan A. Các chất khử trùng gốc cồn có xu hướng tiêu diệt nhiều vi sinh vật hơn là các chất khử trùng không cồn, đặc biệt là với vi khuẩn lao thì chất khử trùng gốc cồn hiệu quả trong việc tiêu diệt mầm bệnh hơn hẳn so với chất khử trùng không cồn. Chất khử trùng không cồn có thể bị vô hiệu hóa khi có sự hiện diện của nước cứng hoặc tiếp xúc với gạc cotton.
Một yếu tố khác cần xem xét khi lựa chọn chất khử trùng là cách sản phẩm hoạt động nếu vẫn còn chất bẩn rắn trên bề mặt. Sự hiện diện của chất bẩn rắn đôi khi có thể ngăn chất khử trùng tiếp cận với tế bào vi sinh vật gây mất hiệu quả diệt khuẩn. Một số báo cáo cho rằng cồn có khả năng thâm nhập kém do “cố định protein” (protein fixation), mặc dù những nghiên cứu này liên quan đến dụng cụ phẫu thuật bằng thép không gỉ chứ không phải bề mặt.
Nếu phát biểu rằng tất cả các loại cồn cố định protein lên tất cả các bề mặt trong mọi trường hợp thì hơi quá mức. Đa phần những thông tin về cố định protein, dựa vào việc protein được cố định vào lam kính hiển vi (cồn trên 80 độ, tiếp xúc thời gian lâu làm protein kết tủa). Để cố định protein xảy ra, cồn cần tiếp xúc với bề mặt protein sau thời gian dài (trên 1 giờ) và cồn nồng độ trên 90 độ.
Nhận xét
Đăng nhận xét