Keo dán trên men răng đã được giới thiệu lần đầu vào năm 1955 bởi Buonocore và trở thành một thành phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vật liệu Resin composite. Tuy nhiên, ngà răng với cấu trúc đặc biệt chứa thành phần hữu cơ và nước, nên việc dán trên ngà răng thật sự là một thách thức lớn so với dán trên men răng. Ban đầu, những vật liệu dán bản chất resin xâm nhập vào lớp mùn ngà, cho đến khi các nghiên cứu chỉ ra rằng lớp mùn ngà này không kết dính tốt với lớp ngà răng bên dưới. Dựa vào các bước thực hiện trong quy trình sử dụng, vật liệu dán resin trên ngà răng được phân loại thành hai nhóm chính:
Vật liệu dán etch-and-rinse (total etch):
Khi sử dụng nhóm vật liệu dán này, lớp mùn ngà được hòa tan bởi acid phosphoric 30% – 35% (độ pH ~ 0.5), sau đó rửa sạch và làm khô trước khi quét keo dán.
Hình 1. A.Sơ đồ mô phỏng cấu trúc ngà răng khoáng hóa với collagen (màu xanh) và tinh thể hydroxyapatite (màu hồng). B. Cấu trúc ngà răng khử khoáng. C. Cấu trúc lớp lai (hydrid layer) với keo dán resin xâm nhập vào mạng lưới collagen bộc lộ.
Với các bước thực hiện từ etching, rửa sạch, thổi khô, quét primer, keo dán khiến cho quy trình thực hiện đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ để hạn chế sai sót trong từng bước. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của nhóm vật liệu dán được đơn giản hóa quy trình sử dụng là keo dán self-etch.
Vật liệu dán self-etch:
Đây là hệ thống keo dán resin có kết hợp thành phần acid với độ pH đủ thấp để loại bỏ bước etching bằng acid phosphoric, giúp đơn giản hóa quy trình sử dụng.
Theo kết quả nghiên cứu của Leuven thực hiện trên 100 xoang V (không có cơ chế lưu giữ cơ học) bằng hệ thống keo dán self-etch Clearfil SE (Kuraray), đã cho thấy việc nên etching chọn lọc trên men răng trước bằng acid phosphoric sẽ cho kết quả vượt trội hơn về độ khít sát và không đổi màu theo thời gian. Nghiên cứu sau đó được thực hiện bởi Peumans và các cộng sự trong 8 năm, đã chỉ ra rằng các răng trám được thực hiện etching chọn lọc “selective-etch” sẽ ít xuất hiện dấu hiệu hở đường viền miếng trám, đồng thời hiện tượng đổi màu miếng trám cũng xuất hiện nhiều hơn ở các răng chưa được thực hiện etching men trước.
Hình 2. Sơ đồ mô tả các hệ thống dán nha khoa
Hệ thống keo dán Universal
Hệ thống keo dán universal được biết đến như là keo dán self-etch, với độ pH nằm trong khoảng 2.0 đến 2.5. Nó có thể có tác dụng tốt trên ngà răng, tuy nhiên lại không đủ thấp để etching trên men răng. Việc dán kín trên men răng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự khít sát của phục hồi, ngăn ngừa sự xuất hiện vi kẽ. Do đó, total-etch vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng. Khi thực hiện dán trên xoang có cả men răng và ngà răng, thì kỹ thuật selective-etch vẫn đáng được cân nhắc để tăng hiệu quả dán trên cả men và ngà.
Tuy nhiên, hệ thống dán self-etch vẫn có những ưu điểm riêng như:
– Sự tiện lợi trong quá trình sử dụng: không cần rửa và làm khô sau khi rửa.
– Đặc biệt ít đòi hỏi đến việc kiểm soát nghiêm ngặt mức độ khô/ướt của bề mặt ngà răng.
– Sự ổn định của các thành phần trong sản phẩm.
– Quá trình khử khoáng và xâm nhập của resin diễn ra đồng thời nên giảm nguy cơ nhạy cảm sau khi thực hiện thủ thuật do etch quá mức như ở kỹ thuật total-etch.
Hệ thống keo dán universal là hệ thống dán có thể áp dụng cho cả 3 kỹ thuật total-etch, self-etch và selective-etch, tùy vào sự lựa chọn của nhà lâm sàng. Đồng thời, hệ thống dán universal còn có thể sử dụng cho cả phục hình trực tiếp và gián tiếp, kết hợp với hệ thống xi măng gắn resin của cùng hãng sản xuất hoặc tương hợp trong thành phần.
Đa số các keo dán universal đều chứa thành phần resin Methacryloyloxydecyl dihydrogen phosphate (10-MDP). 10-MDP đã có trong các miếng trám xoang V tồn tại trên 13 năm trong nghiên cứu phục hồi xoang V sử dụng keo dán Clearfil SE Bond (Kuraray). 10-MDP đã được phát triển bởi Kuraray vào những năm 1980, điểm đặc biệt của 10-MDP là khả năng liên kết vi cơ học thông qua lớp lai, đồng thời liên kết ion với Canxi trong thành phần của hydroxyapatite thông qua nhóm ưa nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét